Việc chuẩn bị hồ sơ du học như thế nào là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều bạn trẻ có mong muốn đi học ở một quốc gia khác. Trọng tâm của bài viết này là giới thiệu, hướng dẫn chi tiết cách viết Study Plan du học (kế hoạch học tập) một cách đơn giản nhất để người đọc có thể áp dụng cho hồ sơ du học của mình.
Hiện nay, cùng với sự hội nhập của thế giới và việc di chuyển dễ dàng giữa các quốc gia, ngày càng có nhiều bạn học sinh, sinh viên lựa chọn con đường du học để tăng kiến thức và theo đuổi ngành học mà mình mong muốn ở một đất nước có nền giáo dục tiên tiến hơn.
Vì vậy, việc chuẩn bị hồ sơ du học như thế nào là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều bạn trẻ có mong muốn đi học ở một quốc gia khác. Trọng tâm của bài viết này là giới thiệu, hướng dẫn chi tiết cách viết Study Plan du học kế hoạch học tập) một cách đơn giản nhất để người đọc có thể áp dụng cho hồ sơ du học của mình.
1. Study Plan du học là gì? Vai trò của Study Plan trong hồ sơ du học?
Một hồ sơ du học đầy đủ đòi hỏi rất nhiều loại giấy tờ khác nhau như kết qủa học tập, rèn luyện, chứng chỉ ngoại ngữ, giấy tờ chứng minh tài chính, recommendation letter, chứng từ cá nhân và một phần không thể thiếu đó là Study Plan.
Study Plan du học là một bản giải trình, trình bày về kế hoạch học tập của người học đối với chương trình học, ngành học ở quốc gia đó, giúp cho trường và Lãnh sự quán nắm được những thông tin về người học, xác định và đánh giá liệu người học này có phù hợp và xứng đáng được chấp thuận hay không. Một Study Plan du học hoàn chỉnh đòi hỏi người viết phải giải thích được những khía cạnh như:
- Mục tiêu học tập của người người học là gì?
- Tại sao lại chọn ngành học này?
- Tại sao lại chọn trường này?
- Tại sao không học ngành này tại Việt Nam?
- Tại sao chọn quốc gia này để du học?
- Người học sẽ làm gì trong quốc quá trình học tập của mình ở đất nước đó?
- Việc theo học chương trình này sẽ giúp người học tăng cơ hội nghề nghiệp ở Việt Nam như thế nào?
- Mối ràng buộc tại Việt Nam khiến người học phải về nước sau khi tốt nghiệp?
Và những khía cạnh có thể khai thác thêm như:
- Kế hoạch của người học sau khi tốt nghiệp là gì?
- Trình bày năng lực tài chính của người học để chứng minh người học có thể chi trả cho chi phí du học?
Study Plan du học đóng một vai trò rất quan trọng trong hồ sơ du học, bổ trợ những giấy tờ liên quan để hồ sơ của người học đẹp hơn và có sức thuyết phục hơn. Một Study Plan rõ ràng và cụ thể giúp nhà trường và Lãnh sự quán hiểu hơn về mục tiêu du học của người học, giúp người học thể hiện được khả năng và lý tuởng của bản thân, từ đó thuyết phục nhà trường và Lãnh sự quán chấp thuận cho người học được theo học tại ngôi trường và chương trình học mà mình mong muốn.
Xem thêm: Lấy IELTS 5.5 có khó không? Lộ trình cụ thể cho người học IELTS từ 0 lên 5.5?
2. Cấu trúc một bài Study Plan du học đầy đủ và cách viết của từng phần
2.1. Phần mở bài
Như mọi Essay, một Study Plan du học hoàn chỉnh cần phải có phần mở bài. Ở phần này, người viết cần nêu rõ ra Study Plan du học này được gửi tới ai (VD: Consulate General of Canada to Viet Nam in Ho Chi Minh City hoặc Upper Madison College), tiếp đó là giới thiệu những thông tin cơ bản về bản thân như tên, tuổi, chương trình học hiện tại, điểm IELTS (nếu có), background của bản thân và thông tin về khoá học mà người viết muốn đi du học (tên ngành, tên trường, thời gian bắt đầu và kết thúc khoá học).
2.2. Lý do chọn ngành học
Đây là một phần rất quan trọng của Study Plan du học và là phần người viết cần đầu tư nhiều thời gian nhất. Ở phần này, người viết cần chia sẻ về khát khao, đam mê đối với ngành học, làm rõ những triển vọng tương lai của ngành học này, giải thích thêm về những khía cạnh như người viết muốn trở thành ai trong tương lai, vì thế ngành học này sẽ giúp người viết đạt được ước mơ như thế nào, vv.
Nếu có thể, người viết nên tìm hiểu về các môn học sẽ được đào tạo trong ngành học này, và phân tích một số môn học có thể hữu ích như thế nào cho sự trau dồi kiến thức và tương lai của người viết sau khi tốt nghiệp.
2.3. Lý do chọn trường
Sau khi đã giải thích về ngành học mà mình mong muốn, người viết tiếp tục giải thích về lý do chọn trường trung học/ cao đẳng/ đại học này mà không phải là một trường khác. Người viết có thể đưa ra những lý do như chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, vị trí, danh tiếng của trường, học phí phù hợp, vv. Đây là phần bổ sung thêm cho lý do đi du học nên người viết không cần viết quá dài, chỉ cần tập trung nêu bật ra những ý tiêu biểu, có tính thuyết phục, từ 7 – 8 câu.
2.4. Lý do chọn đất nước đó để du học
Đây cũng là một phần bổ sung thêm, không có tính quan trọng như phần lý do chọn ngành, nhưng cũng là một phần không thể thiếu trong Study Plan du học để giúp Lãnh sự quán và nhà trường xác định liệu người viết có thực sự phù hợp với văn hoá và môi trường ở đất nước mà người viết muốn theo học hay không, từ đó có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho hồ sơ du học của người viết.
Ở phần này, người viết nên nêu ra những điểm tích cực về đất nước đó như an ninh, sự đa dạng về văn hoá, nền giáo dục phát triển, phát triển về kinh tế, con người, thiên nhiên,vv. Người viết nên chỉ tập trung nói về đất nước mình muốn theo học và tránh so sánh giữa quốc gia này với quốc gia khác.
(Lưu ý: Lý do chọn trường và lý do chọn đất nước có thể thay đổi vị trí cho nhau, hoặc gộp chung với nhau)
2.5. Lý do không học ngành này tại Việt Nam
Đây là phần giúp Lãnh sự quán hoặc nhà trường xác định người viết có phải là một học sinh nghiêm túc và thật sự có mong muốn đi học hay không. Ở phần này, người viết cần nêu ra những yếu tố khiến cho việc học ngành này sẽ khó có tương lai ở Việt Nam, ví dụ như ngành học này chưa được đưa vào đào tạo/ chương trình đào tạo thiên về lý thuyết/ chương trình đào tạo đã lỗi thời, hoặc tập trung phân tích những ưu việt khi du học ngành này tại đất nước đó, vv.
Đặc biệt, nếu người viết hiện đang theo học một ngành khác ở Việt Nam, và muốn du học một ngành khác hoàn toàn, thì người viết cần giải thích rõ lý do tại sao bản thân muốn thay đổi ngành học và thuyết phục nhà trường/ lãnh sự quán tin tưởng rằng mình sẽ là một học sinh nghiêm túc, chăm chỉ và xứng đáng.
2.6. Mục tiêu học tập của người viết là gì và kế hoạch sau khi tốt nghiệp của người viết
Ở phần này, người viết cần chỉ rõ ra việc đi du học sẽ giúp ích như thế nào cho kiến thức cũng như cơ hội nghề nghiệp của mình. Người viết cần đưa ra được một kế hoạch cụ thể trong những năm du học sẽ làm gì, và sau khi tốt nghiệp, có bằng rồi sẽ dự định làm việc ở đâu, chương trình học này sẽ giúp ích như thế nào.
Ở phần này, người viết cũng nên lồng ghép vào thêm nội dung về mối ràng buộc ở Việt Nam khiến cho người viết không thể định cư/ ở lại đất nước đó sau khi tốt nghiệp. Người viết có thể nêu ra những lý do như mối ràng buộc gia đình (vợ chồng, con cái, phụng dưỡng cha mẹ), muốn khởi nghiệp ở Việt Nam và cống hiến cho nước nhà, muốn làm cho một doanh nghiệp cụ thể ở Việt Nam, vv.
Điều này sẽ giúp Lãnh sự quán/ nhà trường tin rằng mục đích du học của người viết là để tiếp thu kiến thức và cải thiện bản thân, chứ không phải là cơ hội được định cư và trở thành công dân của đất nước đó.
Lưu ý: Người viết không nên bày tỏ mong muốn được đi học để được định cư trong Study Plan. Điều này sẽ làm Lãnh sự quán/ nhà trường nghi ngờ về động cơ du học của người viết và có thể dẫn tới kết quả hồ sơ du học của người viết không được chấp thuận.
2.7. Giải trình tài chính
Phần giải trình tài chính là yêu cầu dành cho học sinh, sinh viên đi du học theo diện tự túc (tự chi trả, không có học bổng). Ở phần này, người viết cần giải thích rõ nguồn hỗ trợ chi trả chi phí du học (học phí, chỗ ở, ăn uống, đi lại, vé máy bay,vv) sẽ do ai chi trả và làm rõ nguồn tiền đó từ đâu mà có.
Trường hợp phổ biến nhất là nguồn tài chính đến từ gia đình. Đối với trường hợp này, người viết cần giải thích công việc của phụ huynh là gì, những nguồn thu nhập chính (lương, kinh doanh) và phụ (cho thuê, tiền lãi, công việc phụ, vv) đến từ đâu và tổng thu nhập là bao nhiêu.
Bằng việc chỉ rõ ra nguồn gốc thu nhập và phân tích con số cụ thể, cùng với những giấy tờ tài chứng minh tài chính liên quan mà người viết nộp kèm trong hồ sơ du học, sẽ giúp người viết thuyết phục được Lãnh sự quán/ nhà trường rằng người viết có đủ khả năng để chi trả cho việc học trong suốt quá trình du học, đảm bảo không làm việc bất hợp pháp để kiếm thêm thu nhập ở đất nước mà người viết theo học.
Trường hợp nguồn bảo trợ tài chính của người viết là từ nguồn khác (tiền tiết kiệm của bản thân/ vợ chồng/ họ hàng/ người đỡ đầu,…), người viết cũng giải thích và đưa ra số liệu tương tự như trên.
Để phần giải trình tài chính thêm rõ ràng và dễ hiểu, người viết có thể lập thêm một bảng thống kê tóm tắt về các nguồn tài chính.
2.8. Phần kết luận
Đây là phần cuối cùng của Study Plan du học. Ở phần này, người viết cần tóm tắt lại về việc du học sẽ có những lợi ích gì, niềm đam mê, mong muốn của người viết cho ngành học đó và một lần nữa xác nhận mục đích du học của người viết là để thu nạp kiến thức và sẽ quay trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp.
Cuối phần này, người viết có thể gửi kèm một số lời chúc tới người đọc Study Plan du học để có thể tạo được cảm tình, ấn tượng cho bài Study Plan của mình.
Xem thêm: Quy tắc thêm đuôi ing cần nắm trong tiếng Anh và bài tập áp dụng
3. Tổng kết
Thông qua bài viết này, người đọc có thể tham khảo và rút ra một vài kinh nghiệm cho Study Plan du học của chính mình. Study Plan du học là một thư giải trình được viết riêng cho trường hợp của từng người học, vì vậy, người viết không nên sao chép mà chỉ nên tham khảo hướng dẫn cấu trúc của Study Plan, cách viết của từng phần và áp dụng vào khi viết Study Plan cho hồ sơ du học của mình.
Việc trình bày Study Plan du học một cách rõ ràng, rành mạch, câu chữ cụ thể cũng sẽ là một điểm cộng để người viết có thể dễ dàng nhận được sự chấp thuận cho hồ sơ du học.
Có thể bạn quan tâm:
-
Education is the key to unlock the golden door of freedom
-
Quy tắc thêm đuôi ing cần nắm trong tiếng Anh và bài tập áp dụng
-
Hướng dẫn cách viết Study Plan du học ấn tượng và hiệu quả
-
Lấy IELTS 5.5 có khó không? Lộ trình cụ thể cho người học IELTS từ 0 lên 5.5?
-
It doesn’t matter who you are, where you come from. The ability to triumph begins with you